Giải mã cơn biến động đất nền ở Biên Hoà

bat dong san khu dong

Thị trường bất động sản TP. Biên Hoà, Đồng Nai đang có điều chỉnh mạnh, đặc biệt là phân khúc đất nền. Lý do nào khiến cho giá đất TP. Biên Hoà tăng nhiệt?

Đất nền tăng nhiệt

Theo khảo sát của PV Infonet, từ sau Tết Mậu Tuất đến nay giá đất nền tại Biên Hoà đang có sự gia trên diện rộng, dao động từ 10% – 20%, trong đó tăng mạnh nhất là những địa bàn giáp ranh với TP.HCM như Long Hưng, Tam Phước, Hóa An…

Đối với các địa phương khu vực ngoại thành Biên Hoà như Trảng Dài, Phước Tân hay Tam Phước, những lô đất đã có giấy chủ quyền tăng nhẹ từ 5% -10% so với trước Tết. Các xã giáp ranh với tỉnh Bình Dương, giá đất nền có giấy

So với tháng trước, giá đất nền ở các tuyến đường trung tâm Biên Hoà như Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi tăng chóng mặt. Một cò đất tại địa phương cho hay, ông mới mua một lô đất 100m2 ở đường Đồng Khởi giá 50 triệu đồng/m2, sau 1 tháng đã sang tay “ngon lành” giá 60 triệu đồng/m2.

Với phân khúc đất nền phân lô, một dự án ven sông Đồng Nai là Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng có mức giá tăng khá mạnh. Nếu như đầu năm 2017 giá trung bình tại dự án này chỉ 7 – 8 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng gấp đôi, lên 16 triệu đồng/m2.

Ông Bùi Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Donacoop, chủ đầu tư dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng cho biết, trong hơn một năm qua đã có gần 2.000 sản phẩm của dự án này được bán ra.

Theo giám đốc một sàn giao dịch ở Biên Hoà, giá đất nơi đây tăng theo các địa phương giáp ranh TP.HCM là điều dễ hiểu. Chính sự tăng giá quá nóng giá đất ở quận 2, 9 và Thủ Đức đã khiến nhiều nhà đầu tư “dạt” về vùng ven như Biên Hoà đầu tư.

 

Sức bật từ hạ tầng

Ông Bùi Quốc Anh đánh giá, dư địa phát triển bất động sản ở Biên Hoà còn rất lớn. Là trung tâm kinh tế – hành chính của Đồng Nai, Biên Hoà sở hữu lợi thế dân số khoảng 1,2 triệu người, ngang với những thành phố trực thuộc Trung ương như Cần Thơ, Đà Nẵng.

Nơi đây còn gần 20 khu công nghiệp lớn với hơn 15.000 chuyên gia nước ngoài, 500.000 công nhân. Nhu cầu đáp ứng về nhà ở cho người dân tại chỗ đã rất lớn, chưa nói đến số người nhập cư gia tăng khi hình thành nên khu trung tâm hành chính – văn hóa – thương mại mới.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng đã rục rịch triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như trục đường trung tâm Biên Hòa dài 1,3km nối quảng trường tỉnh cắt ngang đường Võ Thị Sáu đến bờ kè sông Cái, bờ kè sông Đồng Nai dài 5,4km, đường liên phường Tân Phong – Trảng Dài – Tân Hiệp…

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Biên Hoà có sức hút đặc biệt trong thời gian qua. Với vị trí nằm ở cửa ngõ khu Đông TP.HCM, Biên Hoà được thừa hưởng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trực tiếp với TP.HCM. Đây là lợi thế quan trọng thúc đẩy phân khúc đất nền phát triển.

Ông Châu cho rằng, giá đất tại các quận 2, 9 và Thủ Đức thời gian qua tăng quá cao, vượt khỏi khả năng thanh toán của những người có nhu cầu thực về nhà ở. Do đó, những khách hàng này tìm về các vùng ven như Biên Hoà mua đất là không có gì bất ngờ.

Hạ tầng giao thông cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là chìa khoá giúp thị trường bất động sản Biên Hoà nhộn nhịp. Đơn cử như cuối năm 2017, UBND TP.HCM đã chấp thuận phương án kéo dài tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đến Biên Hòa với vốn đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng. Hay dự án Bến xe miền Đông cũng đang được triển khai ở quận 9, địa phương giáp ranh với Đồng Nai.

Ngoài ra, hàng loạt dự án giao thông khác đang được tỉnh Đồng Nai đầu tư như xây dựng cầu Vàm Cái Sứt nối Quốc lộ 51 với đường cao tốc TP.HCM, đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa với Bà Rịa – Vũng Tàu… kỳ vọng sẽ mang lại sức bật cho thị trường địa ốc tỉnh này.