Muốn xây dựng khu đô thị sáng tạo – gọi nôm na là “thung lũng silicon”, TP HCM phải giải bài toán về ùn tắc giao thông, thói quen lấn chiếm vỉa hè.
Ngày 12-4, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến và PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP, đã đồng chủ trì hội thảo quốc tế “Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP HCM – Thảo luận một lộ trình chiến lược”. Khu đô thị sáng tạo ở phía Đông TP, bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức với diện tích hơn 22.000 ha, quy mô dân số hơn 1 triệu người.
Thành phố trong thành phố
Ý tưởng về khu đô thị sáng tạo do Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, có chất lượng sống. Trong khu đô thị sáng tạo, các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất và 12 trường đại học kết hợp với trung tâm hành chính hiện đại sẽ tạo nên một thành phố bên trong TP. Chính quyền khu đô thị sáng tạo sẽ là chính quyền kiểu mẫu, mọi giao dịch thực hiện bằng điện tử bảo đảm công khai, minh bạch và không còn xảy ra việc tiêu cực, nhũng nhiễu. Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng cán bộ “ăn tiền”.
Khu đô thị sáng tạo cũng phát triển mạnh giao thông thông minh, biến các ý tưởng bảo vệ môi trường thành ý tưởng chung cho toàn thành phố… “Khu đô thị này hình thành sẽ là hạt nhân để TP triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nơi đây sẽ đầy đủ hơi thở cuộc sống, hiệu quả hướng tới là phát triển kinh tế TP ngày càng chất lượng, đúng hướng” – Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt nói thêm: “Bản chất của khu đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ, mật độ cao”. Theo ông Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP, khu đô thị sáng tạo sẽ là nơi có công nghệ cao nhiều nhất, nghiên cứu đại học lớn nhất và có triển vọng khu đô thị tốt nhất TP.
“Do đó, đô thị sáng tạo phải được xây dựng dựa trên 3 chủ trương lớn: xây dựng TP HCM thành TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; TP thông minh; khu đô thị sáng tạo. Trong đó, vốn thực hiện được huy động từ ngân sách, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư và đầu tư nước ngoài” – ông Thành nêu quan điểm và cho rằng đô thị sáng tạo sẽ là thung lũng silicon của Việt Nam.
Tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”
Để xây dựng đô thị sáng tạo thành công, ông Nguyễn Đỗ Dũng, tư vấn viên CPG và sáng kiến Việt Nam – Singapore, gợi ý cần xác định vị trí xây dựng phù hợp, phải có người chịu trách nhiệm, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”; đồng thời phải hiểu lĩnh vực đang làm, hiểu nhà đầu tư cần gì. Còn Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Lê Hoàng Châu cảnh báo tình trạng phân lô, bán nền tràn lan đang diễn ra tại quận 9, Thủ Đức làm phá vỡ quy hoạch. “TP phải quyết liệt chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng này. Có như vậy việc triển khai khu đô thị sáng tạo mới bền vững được” – ông Châu kiến nghị.
GS Phan Văn Trường – chuyên gia về kinh tế đô thị, quy hoạch và đàm phán quốc tế – lưu ý để biến khu Đông trở thành khu đô thị sáng tạo thật sự thì lãnh đạo TP phải lưu tâm, có giải pháp đối với các khu đô thị cũ của TP để những khu đô thị cũ cũng là nơi đáng sống, làm việc hiệu quả. Nếu chỉ chăm chút cho những ý tưởng đô thị mới, trong khi việc điều chỉnh những thói quen xấu của người dân khiến giao thông lộn xộn, vỉa hè bị lấn chiếm… rất khó.
Theo GS Trường, giải bài toán về ùn tắc giao thông, thói quen lấn chiếm vỉa hè cần phải được làm song hành cùng với việc phát triển khu đô thị mới. Không điều chỉnh được việc này, dù có thêm khu đô thị mới cũng sẽ tiếp tục ùn tắc. Như vậy sẽ không thu hút được chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp lớn đến đầu tư phát triển tại những khu đô thị mới, trong đó có khu đô thị sáng tạo. Ông nhấn mạnh: “TP phải lấy việc tổ chức “mạch máu giao thông” là quyết định. Trong đó, ưu tiên trước hết cho việc đi bộ, tiếp theo là phát triển giao thông công cộng miễn phí, không cho ô tô, xe máy vào khu đô thị và nên phải xây dựng những bãi đỗ xe lớn ở các trạm metro”.