Năm 2017, toàn thành phố đã phát triển được 10,11 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở thành phố lên 162,25 triệu m2, bình quân đạt 18,87 m2/người.
Đó là những con số trong báo cáo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi Thủ tướng Chính phủ cùng 1 số Bộ, ngành về tình hình thị trường bất động sản năm 2017, dự báo năm 2018, và đề xuất các giải pháp phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, bền vững.
Theo HoREA, thời gian gần đây tại TP.HCM, các dự án nhà ở do doanh nghiệp đầu tư đang có xu thế ngày càng tăng lên, trong đó có nhiều dự án lớn:
Toàn thành phố hiện có 29 dự án nhà ở quy mô lớn với tổng mức đầu tư lên đến gần 158 ngàn tỷ đồng. Trong đó, có 2 dự án có quy mô trên 50ha, và 27 dự án mà mỗi dự án có tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, hoặc có trên 1.500 căn hộ/căn nhà…
Thị trường nhà ở thương mại của thành phố trong năm 2017 đã có 92 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 42.991 căn nhà (trong đó, có 37.502 căn hộ chung cư, 5.489 căn nhà thấp tầng), với tổng giá trị cần huy động vốn lên đến 86.421 tỷ đồng.
Cũng theo HoREA, số liệu này chưa bao gồm các dự án hoàn thành xây dựng nhà rồi mới bán, và cũng chưa bao gồm các khu đất phân lô tách thửa, bán nền nhà,, tập trung nhiều hơn ở khu vực phía đông (quận 2, quận 9, Thủ Đức), phía nam (quận 7, Nhà Bè, quận 8, Bình Tân).
Trong đó, phân khúc cao cấp có 10.987 căn, chiếm tỷ lệ 25,5% (tăng 3.747 căn, tỷ lệ tăng 22,9% so với năm 2016); phân khúc trung cấp có 19.509 căn, chiếm tỷ lệ 45,5% (tăng 1.081 căn, tỷ lệ tăng 16,4% so với năm 2016); phân khúc bình dân có 12.495 căn, chiếm tỷ lệ 29,1% (tăng 5.026 căn, tỷ lệ tăng 67,3% so với năm 2016).
Như vậy, HoREA nhận định rằng tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền (trung cấp và bình dân) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất đến 74% trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường trong năm 2017, tương tự như năm 2016. Đây là tín hiệu đáng mừng vì các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã có sự tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ)
Về tình hình chuyển nhượng dự án (M&A), trong năm 2017 tại TP.HCM đã có 27 hồ sơ xin dự án được mua bán, chuyển nhượng, trong đó có 7 dự án đang trong quá trình thẩm định hoặc phải hoàn thiện thêm các thành phần hồ sơ theo quy định, và đã có 20 dự án đã được UBND thành phố chấp thuận cho chuyển nhượng.
Trong năm 2017, cả nước có khoảng 127.000 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.295.911 tỷ đồng. Riêng TP.HCM đã có 41.194 doanh nghiệp (chiếm 32,4% tổng số doanh nghiệp được thành lập mới của cả nước).
Trong đó có 2.529 doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ lệ 6,14%, với tổng vốn đăng ký là 266.866 tỷ đồng chiếm 44,69% tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp bất động sản lên đến 6.939 doanh nghiệp, trong tổng số gần 400.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố (thực chất chỉ có gần 200.000 doanh nghiệp thực sự hoạt động sản xuất, kinh doanh).
Cũng theo báo cáo của HoREA, tình hình tranh chấp trong chung cư tiếp tục gia tăng. Toàn thành phố có 935 chung cư cao tầng thì đã có đến 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt phức tạp.
Nguyên nhân chủ yếu là tranh chấp do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu Ban quản trị; chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư; tranh chấp phần sở hữu chung trong chung cư (nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê…); tranh chấp về quản lý sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư của các hộ dân nộp hàng tháng; về chất lượng xây dựng chung cư; chất lượng thiết bị; công trình phòng cháy chữa cháy.
Đặc biệt, theo HoREA gay gắt là nhiều trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết; chưa làm “sổ đỏ” cho người mua nhà qua nhiều năm; trong đó có nhiều trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp; hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã đưa dân vào ở không đảm bảo an toàn.
Theo Nhịp sống kinh tế