Với việc nguồn vốn FDI đổ vào ngày càng nhiều, thị trường bất động sản đang là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp nội và ngoại.
Cuộc đổ bộ của doanh nghiệp ngoại
Sau một giai đoạn đóng băng, từ năm 2013 trở lại đây, thị trường bất động sản đã bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới mạnh mẽ. Hàng ngàn dự án lớn nhỏ đã ra đời, thổi một luồng sinh khí mới vào lĩnh vực kinh doanh trọng yếu này.
Không chỉ các doanh nghiệp nội, thị trường bất động sản giai đoạn này đã xuất hiện bóng dáng của những nhà đầu tư nước ngoài.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), trong năm 2017, TP đã thu hút được 5,81 tỷ USD vốn FDI, đứng đầu cả nước. Trong đó, lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng thứ 2 với hơn 1,9 tỷ USD. Lượng kiều hối về TP cũng đạt khoảng 5,2 tỷ USD, 22% trong số đó được đầu tư vào bất động sản.
Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc Jones Lang Lasalle Việt Nam, đánh giá Việt Nam đang là quốc gia có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài bởi tiềm năng thị trường rộng lớn.
Trong năm 2017, bất động sản đứng trong top 5 các ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất.
Nguồn vốn FDI này được các doanh nghiệp ngoại đầu tư vào thị trường bất động sản theo nhiều con đường khác nhau.
Đầu tiên, đó là việc hợp tác hoặc mua lại cổ phần của một doanh nghiệp nội.
Ở phương thức này, có thể kể đến việc Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản đã bỏ 200 triệu USD để mua lại cổ phần của An Gia Investment, hay Tập đoàn Mitsubishi vừa rót 530 triệu USD để hợp tác với Phúc Khang Corporation trong việc phát triển các công trình xanh tại TP HCM…
Phương thức tiếp theo, đó là việc thực hiện các thương vụ M&A dự án.
Có thể kể đến việc An Gia Investment và Creed Group đã hoàn tất việc mua lại 7 block thuộc dự án Khu dân cư phức hợp Lacasa (quận 7, TP HCM) từ công ty Vạn Phát Hưng vào tháng 3-2017.
Mới đây nhất, công ty Keppel Land cũng đã hoàn tất thủ tục mua 2 lô đất tại quận 9 và khu Nam Sài Gòn với tổng giá trị hơn 300 triệu USD.
Ông Stephen Wyatt cho rằng trong năm 2018 và vài năm tiếp theo, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ tiền vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là trong các thương vụ M&A.
Lý giải điều này, ông Stephen Wyatt cho rằng với việc các thủ tục pháp lý để xin cấp phép 1 dự án thường kéo dài với nhiều thủ tục rắc rối, các nhà đầu tư ngoại thường ưu tiên mua đất sạch hoặc các dự án đã được cấp phép nhằm tránh rủi ro và tính toán được dòng tiền. Chính vì thế, M&A là ưu tiên hàng đầu. Điều này khiến cho một số doanh nghiệp, dù mới chỉ vào thị trường Việt Nam được vài năm, nhưng đã sở hữu rất nhiều dự án.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc công ty Việt An Hoà, cũng cho rằng 2018 sẽ là năm của các nhà đầu tư nước ngoài.
“Thị trường tiềm năng, cùng với việc Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực từ ngày 15-8-2017 làm cho hoạt động mua bán, chuyển nhượng các dự án bất động sản cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Với lợi thế về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án, việc khối ngoại ngày càng chiếm lĩnh thị trường bất động sản Việt không phải điều gì quá bất ngờ”, ông Quang nói.
Khối nội vẫn chiếm ưu thế
Dù nguồn vốn từ nước ngoài đổ vào ngày một nhiều, nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, trong một vài năm tới, khối nội vẫn sẽ những là doanh nghiệp chủ đạo, dẫn dắt thị trường bất động sản.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, cho rằng dù dòng tiền FDI đổ vào bất động sản tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam mới chính là những người dẫn dắt thị trường.
Cụ thể, bà Dung cho biết theo thống kê của CBRE, trong số 10 doanh nghiệp có số lượng sản phẩm mở bán nhiều nhất giai đoạn 2015-2017 thì có đến 8 doanh nghiệp Việt Nam.
Trong đó, có thể kể đến một số tên tuổi lớn trên thị trường như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Nam Long, Phú Mỹ Hưng…
Theo bà Dung, trong năm 2018, dòng vốn từ nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản sẽ bắt đầu thu được thành quả, khi các dự án được hoàn thành và bàn giao cho khách hàng.
Tuy nhiên nhìn tổng thể, doanh nghiệp nội vẫn là yếu tố dẫn dắt thị trường. Điều này thể hiện ở cả tổng số vốn đầu tư vào thị trường bất động sản, tổng số sản phẩm chào bán ra thị trường… của các doanh nghiệp trong nước.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cũng cho rằng đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang thống lĩnh thị trường bất động sản, kể cả trong lĩnh vực M&A.
Thống kê của HoREA cho thấy trong năm 2017, TP đã có 20 dự án được UBND TP chấp thuận cho chuyển nhượng. Trong đó, phần lớn thuộc về các doanh nghiệp nội. Chỉ ở lĩnh vực môi giới văn phòng cho thuê, quản lý dự án bất động sản cao cấp thì lợi thế thuộc về hai doanh nghiệp nước ngoài là Savills và CBRE.
Một chuyên gia bất động sản khác cho rằng với việc am hiểu về chính sách, thủ tục hành chính cũng như tâm lý khách hàng, doanh nghiệp nội hiện đang chiếm được một ưu thế nhất định trong cuộc chơi tại thị trường bất động sản.
Tuy nhiên theo vị này, với sự đầu tư nghiêm túc và mạnh mẽ như thời gian qua, các doanh nghiệp ngoại sẽ trở thành “đối trọng” thực sự cho các doanh nghiệp trong nước.
“Về lâu dài, việc cạnh tranh này sẽ giúp cho thị trường bất động sản tốt lên. Bởi trước sức ép cạnh tranh quá lớn, doanh nghiệp nào muốn tồn tại thì phải tạo được thương hiệu, bản sắc riêng của mình để thu hút khách hàng. Doanh nghiệp nào làm ăn chụp giật, manh mún chắc chắn sẽ bị triệt tiêu. Điều này sẽ giúp cho thị trường bất động sản trở lên minh bạch, lành mạnh. Và người tiêu dùng sẽ chính là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất”, vị này nói.